hinhf VÁN KHUÔN . NET: PHÂN LOẠI VÁN KHUÔN THEO CẤU TẠO

PHÂN LOẠI VÁN KHUÔN THEO CẤU TẠO

   Theo cấu tạo và cách lắp ráp ván khuôn người ta phân ra: ván khuôn cố định, ván khuôn định hình (hay ván khuôn luân lưu), ván khuôn di động (di động ngang, di động lên cao), ván khuôn ốp mặt, ván khuôn đặc biệt,...
1. Ván khuôn cố định
Ván khuôn cố định thường làm bằng gỗ, ít khi làm bằng kim loại, được gia công tại hiện trường. Khi chế tạo ván khuôn, người ta làm theo từng bộ phận kết cấu của công trình nào đó để đổ bê tông. Sau khi bê tông đông cứng tháo ra thì không thể dùng cho công trình khác loại, khi dùng cho công trình khác phải gia công lạị.
Việc liên kết các tấm ván nhỏ thành các mảng lớn thường đóng bằng đinh nên ván khuôn chóng hỏng, hệ số luân chuyển thấp. Kích thước của các tấm gỗ và cách cấu tạo phụ thuộc vào kích thước của các kết cấu phần phải đúc.
- Ưu điểm của ván khuôn cố định là sản xuất dễ dàng.
- Nhược điểm là tiêu hao nhiều vật liệu (vì phải cắt vụn để thích hợp với các chi tiết của kết cấu công trình) và nhân công, kinh tế.

2. Ván khuôn định hình
Ván khuôn định hình hay còn gọi là ván khuôn luân lưu và ván khuôn luân chuyển.
Được chế tạo định hình thành từng bộ phận, từng tấm tiêu chuẩn trong các nhà máy hoặc các công xưởng. Khi đưa ra thi công tại công trường người công nhân chỉ liên kết chúng với nhau bằng các phụ kiện tạo thành hình dáng chuẩn xác theo thiết kế để đổ bê tông. Sau khi bê tông đủ cường độ người ta tháo nguyên hình đem đi thi công các công trình khác. Loại này cho phép sử dụng nhiều lần, tháo lắp dễ dàng, ít thất lạc, mất mát. Cũng vì vậy loại ván khuôn này còn được gọi là ván khuôn tháo lắp hay ván khuôn luân lưu.
   Trong thiết kế việc xác định kích thước của các tấm ván khuôn định hình cần phải xem xét một số yêu cầu sau:
   - Số lượng mối nối phải đơn giản và ít nhất;
   - Số loại tấm cho một kết cấu xây dựng phải ít nhất;
   - Không nên sản xuất tấm có khối lượng lớn hơn 70kg, vì trọng lượng lớn, lắp ghép thủ công rất khó khăn mà phải sử dụng cơ giới.

3.Ván khuôn di chuyển
   Ván khuôn di chuyển (di động) là loại ván khuôn không tháo rời từng bộ phận sau mỗi chu kỳ hoạt động mà để nguyên di chuyển sang vị trí sử dụng của chu kỳ tiếp theo.
   Tất cả ván khuôn di chuyển, dịch chuyển được (theo phương đứng hoặc phương ngang) là nhờ những thiết bị đặc biệt như: kích, tời, cần cẩu và những thiết bị liên kết. treo, đỡ… Đối với mỗi loại ván khuôn những thiết bị này được thiết kế theo chức năng chuyên dùng.
a. Ván khuôn di chuyển theo phương đứng
Là ván khuôn mà khi tháo rời khỏi chu kỳ hoạt động này, nó dịch chuyển tới chu kỳ hoạt động tiếp theo theo phương thẳng đứng. Chúng được cấu tạo từ những tấm có chiều cao từ 1.2 – 1.5m. lắp vào toàn bộ chu vi công trình. Khi di chuyển ván khuôn được nâng lên liên tục, hay từng chu kỳ cho đến khi thi công xong hết chiều cao công trình. Loại này có kết cấu rất nhỏ so với bề mặt kết cấu công trình. Ngoài ra  hệ thống đỡ gọn nhẹ, tiết kiệm được nhiều vật liệu và nhân công so với loại ván khuôn cổ điển. Ván khuôn di chuyển theo phương đứng có thể phân ra:
- Ván khuôn trượt là ván khuôn di chuyển lên cao, nhưng việc di chuyển được tiến hành liên tục, đồng đều trong suốt quá trình đổ bê tông. Nó là một bộ ván khuôn hoàn chỉnh dùng để thi công đổ bê tông các cấu kiện thẳng đứng của một công trình. Các cấu kiện nằm ngang như sàn, dầm sẽ được thi công riêng biệt theo các công nghệ khác.
Ván khuôn trượt dùng để đổ bê tông các công trình có chiều cao lớn, có tiết diện không đổi hoặc ít thay đổi, như xi-lô, đài nước, ống khói. Ván khuôn trượt được dùng rộng rãi để thi công bê tông toàn khối các công trình dân dụng, đặc biệt là xây dựng nhà ở nhiều tầng có chiều cao lớn.
- Ván khuôn leo:
Ván khuôn leo là ván khuôn bám vào công trình để di chuyển lên cao.
Toàn bộ ván khuôn  hay một đoạn có thể nâng lên theo từng chu kỳ, tùy thuộc vào thời gian kể từ khi đổ bê tông cho đến khi bê tông đông kết (đủ cường độ cho phép tháo ván khuôn trong phạm vi ghép ván khuôn). Ván khuôn leo thường dùng vào công trình có khối lớn như đập nước, tường chắn, xi-lô…
- Ván khuôn treo:
Ván khuôn treo là ván khuôn bám vào hệ giáo đỡ để di chuyển lên cao.
Toàn bộ ván khuôn được treo trên tháp nâng đặt ở trung tâm, và nâng lên bằng thiết bị nâng, theo từng chu kỳ, tùy thuộc vào thời gian ninh kết của bê tông (đủ cường độ cho phép tháo ván khuôn để đưa ván khuôn lên đợt trên). Ván khuôn treo thường dùng vào công trình có chiều cao lớn tiết diện không đổi và thay đổi như: ống khói, tháp làm lạnh…
b. Ván khuôn di chuyển theo phương ngang
Ván khuôn di chuyển theo phương ngang là hệ ván khuôn được cấu tạo bằng những tấm khuôn, liên kết vào khung đỡ. Khung đỡ lắp trên hệ thống bánh xe, chạy trên đường ray theo chiều dài công trình. Việc dịch chuyển này thực hiện bằng tời hay kích. Như vậy cho phép đổ bê tông trên từng phân đoạn.
Ván khuôn di chuyển theo phương ngang dùng để thi công các công trình bê tông cốt thép như mái nhà công nghiệp, vòm cuốn đơn giản, các công trình có chiều dài lớn, tiết diện không thay đổi (như tuynen, đường hầm, mái chợ, kênh dẫn nước…).
Để sử dụng được loại ván khuôn này công trình phải đủ dài, các đoạn của kết cấu lặp lại có tính chu kỳ. Một bộ ván khuôn tương ứng với một đoạn công trình.

4.Ván khuôn ốp mặt
   Ván khuôn ốp mặt là loại ván khuôn rất kiên cố. Sau khi thi công, loại ván khuôn này được để lại làm bề mặt của kết cấu, nó có thể chịu được các tải trọng trong thi công và tải trọng nén, uốn của kết cấu.
Cấu tạo loại ván khuôn này có thể bằng bê tông cốt thép, hoặc bằng kim loại, chúng được dùng ở những công trình đặc biệt như công trình cách nhiệt, công trình chống bức xạ…

5. Ván khuôn đặc biệt
Dùng cho các công trình phụ thuộc vào phương pháp đổ bể tông; ván khuôn rút nước cho bê tông; ván khuôn tự mang tải, ván khuôn lưu (chết), ván khuôn cho bê tông đúc sẵn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét